​​

​HIỆP ĐỊNH, THỎA THUẬN, BẢN GHI NHỚ GIỮA HAI NƯỚC:

1. Kể từ khi bình thường hoá quan hệ (tháng 7/1995) đến nay, quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao: Tổng thống Bush thăm Việt Nam (11/2006) và các vị lãnh đạo Việt Nam thăm Mỹ (Thủ tướng Phan Văn Khải - 6/2005, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - 6/2007 và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - 6/2008). Ba Tuyên bố chung và những thoả thuận đạt được qua các chuyến thăm nói trên đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quan hệ hai nước phát triển ổn định trong khuôn khổ “Đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau” vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho hoà bình và hợp tác quốc tế. Các cơ chế hợp tác cụ thể được thiết lập và đang được triển khai trên các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục, đào tạo, nhân đạo... góp phần tiếp tục củng cố quan hệ Việt - Mỹ.

2. Trong triển khai chính sách đối ngoại mới, Chính quyền Obama coi trọng hơn khu vực CÁ - TBD do vai trò ngày càng quan trọng của khu vực này, đồng thời coi trọng và tranh thủ nhiều hơn vai trò của Đông Nam á và ASEAN, tăng cường quan hệ với cả ASEAN cũng như quan hệ và hợp tác với từng nước thành viên. Trong bối cảnh như vậy, quan hệ hai nước vẫn tiếp tục được duy trì và hợp tác vẫn đang là dòng chảy chính bên cạnh những tồn tại, khó khăn trong quan hệ đặc biệt là những vấn đề liên quan tới dân chủ, nhân quyền, tôn giáo.

2.1 Về chính trị, an ninh, quốc phòng: Việt Nam và Mỹ tiếp tục duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp Lãnh đạo hai bên. Phía Mỹ thăm ta có các đoàn: Phó trợ lý Ngoại trưởng (2/09); TNS McCain (4/09); Phó Đại diện thương mại Mỹ (7/09). Phía VN thăm Mỹ có các đoàn: Bộ trưởng Công an (4/09); Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (4/09); Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao thăm Mỹ và tham gia Đối thoại chiến lược về chính trị, an ninh, quốc phòng Việt-Mỹ lần thứ 2 (6/09) (Đối thoại chiến lược lần đầu vào 10/2008). PTTg, BTNG ta đã tiếp xúc với NT Clinton bên lề HN ARF (7/09) và Bộ trưởng Công Thương ta tiếp xúc song phương với Đại diện USTR bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế APEC tại Singapore (7/09). Các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn lãnh đạo hai bên tạo cơ sở để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trong thời gian tới. Lần đầu tiên đoàn Bộ Quốc phòng VN thăm tàu sân bay Mỹ (4/09) và tàu Mỹ vào vùng biển VN hợp tác tìm kiếm MIA (6/09).

2.2 Về kinh tế-thương mại: Quan hệ kinh tế-thương mại, đầu tư được đẩy mạnh, đạt kết quả đáng khích lệ, là cơ sở và động lực cho quan hệ song phương. Kể từ khi HĐTM có hiệu lực đến nay, quan hệ mậu dịch giữa hai nước tăng nhanh: kim ngạch mậu dịch 2 chiều năm 2005 đạt 7,8 tỉ USD, tăng gấp hơn 5 lần năm 2001 (1,5 tỉ USD); 9,7 tỷ USD năm 2006; 11,789 tỷ USD năm 2007; 14,504 tỉ USD năm 2008 ( tăng 23 % so với năm 2007), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 11,869 tỉ USD (tăng 17,6%) và nhập khẩu đạt 2,635 tỉ USD (tăng 55%). 6 tháng đầu 2009 kim ngạch XNK hai nước ước tính  đạt 6,2 tỷ USD giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó xuất khẩu sang Mỹ đạt 5,1 tỷ giảm 6,6% và nhập khẩu đạt 1,15 tỷ USD giảm 13,4%. Đây là mức  giảm xuất khẩu đầu tiên sang Mỹ tính theo 6 tháng kể từ khi hai nước ký Hiệp định thương mại. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế so với các thị trường khác VN vẫn được coi là 1 trong số ít quốc gia xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ thời gian qua. FDI của Mỹ vào vào VN từ 1988 cho đến 12/2008 (tính những dự án còn hiệu lực) chỉ đạt 4,25 tỉ USD, đứng thứ 12 trong số các nước đầu tư vào VN. Thế nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế nà  6 tháng đầu 2009 FDI của Mỹ vào ta đạt 3,86 tỷ USD (Dự án xây dựng Saigon Atlantis Hotel của tập đoàn Winvest LLC, Mỹ, đã tăng vốn từ 300 triệu USD lên 4,1 tỷ USD) chiếm hơn 50% tổng số vốn FDI vào Việt Nam và sau 7 năm đàm phán, Công ty dầu khí Chevron, Mỹ, và Tập đoàn dầu khí VN (PVN) đã đạt thoả thuận và hai bên dự kiến (cuối tháng 7/09) sẽ ký Thoả thuận khung về Dự án khai thác khí trị giá gần 5 tỷ USD trong đó Chevron đầu tư 2 tỷ. Với các dự án này, Mỹ đã vươn lên trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại VN.

Ngoài ra, hai bên cũng đang tiếp tục đàm phán Hiệp định đầu tư song phương (BIT) và phối hợp trong việc tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong cơ chế họp theo khuôn khổ TIFA (Hiệp định Thương mại và Đầu tư) để giải quyết các vướng mắc trong quan hệ kinh tế thương mại hai nước. Ta cũng đã đồng ý nhập thị bò không xương trên 30 tháng tuổi từ Mỹ.

2.3 Trong lĩnh vực giáo dục, khoa học-công nghệ, môi trường và nhân đạo: Hai bên triển khai các thoả thuận giữa lãnh đạo hai nước đạt được trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (6/08) trong đó Nhóm Chuyên trách về giáo dục Việt-Mỹ  đã hoàn tất Báo cáo về tình hình hợp tác giáo dục đại học song phương trình Chính phủ hai nước xem xét để đi đến ký kết; triển khai lập các nhóm làm việc để thúc đẩy các vấn đề hợp tác về thay đổi khí hậu và nước biển dâng. Hai bên cũng tăng cường hợp tác về y tế, phòng chống HIV/AIDS, phía Mỹ đã chính thức thông báo ngân sách phân bổ cho chương trình PERFAR VN năm 2009 là 88 triệu USD (= mức 2008). Phía Mỹ cũng đã thông qua (cuối tháng 5/2009) khoản ngân sách bổ sung 3 triệu USD cho năm 2009 (khoản 3 triệu USD của năm 2007 đã bắt đầu được giải ngân từ tháng 10/2008) giúp tẩy độc các điểm nóng và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Hai bên tiếp tục trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, hạt nhân….

​2.4 Bên cạnh những điểm sáng trong hợp tác song phương, hai bên cũng đã và đang hợp tác tốt trên khuôn khổ đa phương như tại HĐBA LHQ. Phía Mỹ mong VN đóng góp tích cực trong ASEAN và đánh giá cao việc VN sẵn sàng hợp tác trong khuôn khổ tiểu vùng Mekong.

3. Bên cạnh những tiến bộ đạt được, hai bên vẫn còn có quan điểm khác biệt về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Nhiều nhóm Việt kiều cực đoan ở Mỹ tiếp tục tìm cách vận động quốc hội Mỹ ra các dự luật, nghị quyết "phê phán" tình hình nhân quyền ở Việt Nam và đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách "các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo". Ở quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát vấn đề gắn nhân quyền với thương mại đang được một số nghị sỹ thúc đẩy, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới đà phát triển quan hệ Việt - Mỹ.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​